Đây là một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi.
Độc giả sẽ không thể tìm câu truyện này ở bất cứ cuốn sử ký hay chánh sử nào cả. Bởi lẽ đó là câu truyện về những người vô danh trong một cuộc chiến dài. Không ai ghi chép lại nó cả.
Nhưng nó đã được truyền miệng qua những thế hệ dân gian mấy đời nay.
Làng Mây, một ngôi làng nhỏ nằm bên giòng sông Thái Bình, là quê hương tôi.
Không biết từ bao giờ, ngôi làng đã mang cái tên ấy. Có lẽ là đã xưa lắm, từ cái thuở mà từ cổng làng trông ra bát ngát những cụm mây hờ hững bay trên ngọn sóng. Ngày nay, đó chỉ còn là những thuyền chài tấp nập, những khu chợ bộn bề mà thôi.
Làng bắt đầu từ cánh cổng -một bộ khung đá im lìm dưới bóng cây phượng đỏ êm ả. Những nụ hoa e ấp thu mình trên tầng mái ngói cong cong và những tượng linh vật vô hồn. Con đường làng là những mảng đất lở bồi nối nhau, xen những bụi cỏ phơ phất xanh mơn mởn. In bóng lên đó, những chái nhà gỗ cục mịch tựa những sinh linh đang mơ một giấc mơ bụi bặm, xưa cổ. Những thân cau chao nghiêng dưới bóng trời trong. Ngôi đình làng đã điêu tàn vì mưa nắng, đổi dời,.. những cây trụ gỗ mòn ruỗng oằn mình xuống dưới những thanh xà cũ nát nặng nề, những gian thờ lạnh lẽo và uy nghi. Màu xanh thẫm hiền hòa, trầm mặc của tán đa nhuộm lên tầng mái ngói đỏ quạnh khô khốc. Những cánh diều dật dờ trôi trên gợn nước ao làng.
Và dưới bóng phượng vĩ ấy, trên nẻo đường đất ấy, là một điểm khởi đầu rạng rỡ...
Chương 1: Ra đi từ lúc sương mai
Thăng Long, một sớm thu năm 1388
“Này! Bà ơi, cháu có cái nè nè!”
“Ông nói vậy là sao, tui chưa có hiểu..dưa hết mùa rồi hả..?”
Đất đô thành Kẻ Chợ ồn ã, tấp nập ngay từ tinh mơ. Những ngọn đuốc phủ sắc vàng ấm lên những chiếc nón lá, những gánh lúa đầy ắp. Từng bóng người hiện lên trên những nhịp sóng mờ mịt đưa trập trùng. Dưới làn sương man mát, họ vốc làn nước phù sa đỏ nhạt lên rửa mặt hay uống. Những nắm cơm khô, những bầu rượu mặn là bữa sáng của cư dân Thăng Long. Một phiên chợ bắt đầu sau tiếng kẻng, tựa hồ chỉ khi đó người ta mới thôi ngái ngủ mê mệt.Bà cụ già bồng đứa cháu, đi bên tấm lưng trần đầm đìa mồ hôi của người con. Ông đồ nghè cởi đôi hài, bước xuống sông cùng vợ giặt tấm chiếu cói. Những bầy trẻ xô nhau trong đám thợ thuyền, và nô nghịch chạy qua những cái thúng, cái niêu còn tỏa khói.
Khu chợ tựa một vầng sao lấp ló giữa những mảng chạng vạng mịt mùng của kinh thành. Đúng từ dưới mấy mái gianh trông ra, bờ bên kia của sông Hồng chỉ là một vạch thẳng tắp, phẳng lặng. Những gợn sóng mênh mang, cuồn cuộn dâng mang theo trên mình những mảnh mây ủ rũ, tối nhòa. Vòm trời phủ sắc xám uy nghiêm lên những con đò lẻ loi, bên chút nắng lành lạnh của mùa thu.
Một cái bóng thoắt ẩn hiện trong mấy vạt lau trắng. A! Con mắt nâu tinh quái và mấy hình xăm nguệch ngoạc trên nước da rám nắng. Chắc đây lại là một ông mãnh chuyên đi quấy phá ở kinh kỳ đây mà...
“Lại là mầy! Còn lần sau thì chết đòn với tao! Nghe không?!”
Thằng bé bị một cái đá rất hiểm vào lưng. Nó nhón từng bước ra sau bụi cây, không quên hướng một cái nhìn giận hờn, không chút tuân phục về phía ông nông phu cầm trái mận mà nó vừa định đánh cắp. Nó lủi dần, để lại những dấu chân méo mó trên lớp cát đẫm sương.
Chợt thằng bé dấn bước vào khu chợ. Nó đang đói lắm. Phải có kiếm trác chút gì đó trong sáng nay thôi-thằng bé nghĩ thầm và dáo dác đảo mắt qua mấy gian hàng đơn sơ. Bỗng nó va phải một vật gì đó cứng và hơi sần sùi. Đứng sau lưng ông mãnh là một người lính gầy guộc, thấp bé với một cây giáo ngắn và một tấm khiên gỗ quá cỡ. Hai gò má đen sạm khẽ nhếch dưới vành nón nhà binh tả tơi. Cái giọng khô khan, gãy gọn cất lên:
“Xéo nhanh, không ta đánh vỡ đầu mày.”
Đúng khi ấy, lại có một bàn tay man mát nhẹ nhàng đặt lên bờ vai áo vá của thằng bé. Một chàng trai, nom có vẻ thư sinh nho nhã trong bộ áo đối khâm và mái tóc đen nhánh buông dài trên bờ vai. Đôi mắt bồ câu ngước xuống đứa bé thứ dân phía trước:
“Có phải em là cái đứa hôm nọ lấy cắp của tôi đến tận năm đồng không? Nói thật nha, tôi không làm chi cả...”
Thằng bé vừa rụt rè, vừa tỏ vẻ khinh khỉnh trước cách hỏi nhã nhặn ấy. Người lạ mặt kia nhìn nó một hồi, và nở một cái cười hiền lành( sau này thằng bé mới biết đấy là độ lượng chứ không phải ngây ngô):
“Thôi, dù gì tôi đây cũng sắp đi béng khỏi cái kinh sư này rồi. Em đói chớ? Đây, ta cho em mười đồng...”
Những đồng xu màu xanh lá mạ nằm trên lòng bàn tay nhem nhuốc của đứa bé. Chàng trai quay đầu và thở dài. Cái dáng thư sinh của chàng ta khuất dần sau những tấm giáp của đám lính.
Chàng trai đó là quan Lê Văn Yên. Mới bữa trước, Yên đã vui biết bao khi nhận ra cái tên vắn tắt của mình trên tấm bảng vàng treo trước cửa ô. Hôm nay, Lê Văn Yên đang sắm sửa nào bút, áo, mũ,.. lên đường về. Cái vui chưa qua đi, và sẽ bừng lên trong ngày vinh quy bái tổ ở quê hương Yên-làng Mây.
Dù nói là sắp lên ngựa về quê, nhưng ông nghè trẻ hãy còn quyến luyến với kinh đô lắm. Bạn thử tưởng tượng mà coi, một chàng trai tuổi mới độ hăm lăm, đang sống một đời thư sinh lam lũ ở thôn quê, làm sao không thú vị và thán phục trước những đền đài, những lăng miếu, phố phường của Thăng Long. Khi nghĩ đến ngày về,bên cái vui danh tiếng với họ hàng thì Yên cũng không khỏi tiếc nuối trước sự hào hoa mà Thăng Long khoác lên con người anh. Này nhé, những đêm trắng, trời trở sương, trên mọi nẻo thị thành chật những bóng người rước hội dưới ánh đèn trăng. Những khu chợ náo nức có những nhung lụa mịn mà chất đầy đôi quang gánh, hay những pho tượng đất nung xinh xắn xếp trên các gian hàng. Yên sẽ nhớ lắm những ngày anh đèn sách bên bức liếp của quán trọ, vừa nhẩm chữ vừa nghe tiếng hát chèo réo rắt ngân trên sóng sông ngoài kia. Và còn cả cái vị mặn đắng, tê tê của thứ rượu được cất trong các bình gốm hoa nâu nữa.
Thời xưa, có lẽ thành Thăng Long nhỏ hẹp và thưa thớt hơn ngày nay nhiều.
Vùng mà ta gọi là thị thành chỉ trải dài theo mạn ven giòng sông Hồng. Xen giữa những khu nhà là những con mương, lạch xanh ngắt hay nhàn nhạt màu phù sa, là nơi các thuyền chài, bến ghe ghé lại làm ăn. Những khu chợ nổi như thế xuất hiện trong kinh thành, đem theo những hàng quán bộn bề, đông đúc.
Những khu phố Thăng Long luôn mang một sắc nâu thật thà của gỗ, bùn, rơm rạ- thứ mà cư dân dùng để xây nên nhà cửa. Hạng dân ngụ cư từ xứ khác lên đây phải bằng lòng với những vài túp lều tuềnh toàng bên bờ ruộng, hay là những khu ổ chuột dơ dáy dưới chân tường thành. Tuy là có nghèo khổ, nhưng trong những con phố tranh tối tranh sáng ấy, không có những tên trộm cướp, những kẻ lừa gạt. Thuở đó, ta dễ dàng gặp những bóng người lấm lem chạy qua các gian nhà nan xập xệ để xin hàng xóm cục than, cây củi, nắm muối,...Hiếm có ai trong số họ quay về mà lại tủi hổ hay hậm hực. Nếu không có được cái thứ mình muốn, họ cũng đã có được đôi câu an ủi không giả dối và dăm lời chỉ dẫn.
Cái tên" Thăng Long" nghe thật là hào hùng, tựa một nốt nhã nhạc nam bình. Đó có lẽ là vì cái bóng hình quân vương đã gắn bó với mảnh đất ấy suốt mấy mươi thế kỷ. Nghĩ tới”Thăng Long", là nghĩ tới” Hoàng thành". Nhưng quả thật là mảnh đất kinh kỳ ấy đã truyền cho đến cả cung đình cái chất dân dã thiện lương của nó. Hôm Yên đi thi trạng, chàng đã tận mắt thấy được trường thi, sân rồng và điện Kính Thiên ở xa xăm. Sân rồng không rộng lớn như Yên tưởng tượng, mà còn được lát từ những thớ đá thô sơ, xen lẫn những đám rêu xanh mởn. Điện Kính Thiên lại làm chàng liên tưởng đến một ngôi đình trầm mặc, chỉ mang một chút uy nghi của vương quyền thôi. Trường thi khéo làm chàng phì cười: vài căn nhà mái rơm xếp quanh một mảnh đất trống trải, khô khan. Đôi chân trần của những sĩ tử chen nhau trên những bụi cỏ úa và những lỗ tò vò. Yên đã chọn ra một chỗ ngồi thật dễ chịu: cạnh một đóa hoa dại xinh xắn trăng trắng, trông tựa một tia nắng nho nhỏ trên nền đất thô ráp. Nghĩ lại những điều ấy, Yên không làm sao không cười mỉm.
Chợt một tiếng nói khàn khàn xen ngang những dòng suy nghĩ vơ vẩn ấy:
“Thưa quan trạng, ngài quên không mang cái lều chõng đi rồi!”
“...cứ từ từ...cái bình gốm này đẹp nhở?”-Yên đáp lại. Trong khi đang dọn dẹp căn phòng, anh vẫn không thôi ngắm nhìn những đồ vật xa lạ của người Kẻ Chợ.
“Kìa, tôi đang nói cái lều chõng kia mà! Bẩm ngài, từ đây đến quê ngài còn xa lắm đó, phải đi suốt mấy ngày đêm liền tù tì, bộ quan nghè không nhớ sao? Mà chúng ta thì đã để mất cái chăn vải khi qua thuyền mất rồi. Giờ thì chỉ có cách lấy cái chõng đó thay giường thôi! Mà giờ tôi tìm hoài mà chẳng thấy đâu hết trơn, kể cả ngoài sân kia rồi!”
“Chết cha! Tôi đã cho cô hàng nước cái chõng để cổ có chỗ cho tụi gà rồi!”
Hai người lịch bịch chạy ra ngoài sân. Quả không sai, cô hàng đang thong thả bước bên cái lều nan bện tinh tươm; nhưng giờ đây trong đó lại là những đôi gà ngơ ngác, lúi húi mổ thóc. Viên lính hầu thở dài thườn thượt:
“Thôi thì đành...mành giời, chiếu đất vậy chớ biết sao...”
“Thật rõ là hâm! Cái ông lính này, bộ không ngủ nhờ trên đò được hay sao? Mà phải mành giời, chiếu đất..!”- Yên thầm nghĩ. Anh lại vào nhà thơ thẩn thu dọn đồ đạc. Vừa xếp từng cây bút vô cái khay gỗ mun, Yên vừa mỉm cười nhìn ra mấy đôi thuyền ghe ồn ã trôi trên giòng nước đục ngoài kia. Người Thăng Long hình như cũng có cái tính hoài niệm giống anh.
***
Sớm hôm sau, trời còn mịt mù, tản mát những cụm mây vàng hoe e lệ, trên đoạn đường ven hồ Lục Thủy, những người đi qua phố thấy có một đôi ngựa ghé lại dưới mái ngói của một quán trọ nghèo. Một người gầy gò, cao ráo cưỡi con ngựa đi đầu, con ngựa đi sau phải gánh trên mình mấy chiếc túi lùng bùng, lôi thôi. Sau cùng là mấy người nom như là lính, dáng đi chậm chạp, lững thững. Họ đi về phía đông La Thành, nơi những cụm khói lam trên những chái nhà gianh còn đượm một màu xanh thẫm lờ nhờ của màn đêm.
Comments (0)
See all