Làng Mây, quê hương của người viết cũng như của anh nghè Lê Văn Yên, như đã nói ở đầu truyện, là một ngôi làng bình dị tọa lạc bên bờ sông Thái Bình. Thời xưa ấy, làng còn hẻo lánh, với chỉ độ vài trăm gian nhà và một khu chợ tuyềnh toàng nằm trên con lạch phía đông. Ngày ngày, vẫn có những gánh hàng nô nức dưới mấy tầng mái lá. Song mỗi khi đêm về, thì ta mới thấy cái cảnh vật thật của một làng quê: trên con đường đất, những người dân chài dập dìu lê bước, những đàn nghé con lạc lõng, run rẩy trong đói rét. Từ bờ mương, đám người ăn xin xơ xác vật vờ bên những túp lều tranh. Và đó cũng là bộ mặt quê hương thờ ơ, ủ rũ đón viên quan nghè trở về. Không trống, không kèn, Yên cứ cùng đám lính đi vào làng. Ngọn đèn dầu trên tay anh thở ra những hơi lửa nhỏ nhoi, tựa những sinh vật yếu ớt trên chiếc chân gỗ.Anh đang đi giữa hai dãy nhà lán lụp xụp. Trời khuyu, con ngõ thân thuộc ngày nào trơ ra những cây trụ mọt ruỗng, những bức tường gạch điêu tàn, và các cánh cửa gỗ cũ kỹ. Yên để mặc cho đôi hài của mình dẫm lên những vũng bùn đen ngòm lênh láng trên mặt đường. Những bụi cỏ gai cứa lại lớp vải áo nhà binh nâu sòng của đám lính.Ai nấy đều run rẩy sẽ sàng trong cái rét đêm ngào ngạt.
Giữa lúc ấy chợt có những tiếng lào xào trong bụi cỏ. Một cái bóng ngật ngưỡng lao ra. Con chó canh cửa nhà mình đây mà, anh thốt lên. Không bao giờ Yên quên được những cái vẫy đuôi rối rít và con mắt ngọc thạch không biết buồn của nó. Bây giờ thì nó đã già, đôi mắt như đã trở nên vô hồn, và nó cũng không có cái niềm vui đón khách như xưa nữa. Nhưng dường như với cậu chủ thì nó không quên sao nổi; con vật chồm lên, đặt đôi chân lên bàn tay anh và sủa lên khản đặc. Phía sau,một ánh đèn vàng hoe lóe lên.
“Yên..Yên đấy hả con"- cái giọng thân quen khô khan vọng ra. Viên quan nghè dáo dác nhìn quanh. Anh đã về đến nhà. Đón đợi anh là ánh mắt già nua đợi mong của người ông.
“ Dạ,.. dạ con đây. Tạ lỗi ông, con về muộn quá!”
“Thôi không sao. Bố mẹ mày ngủ cả rồi. Vào đi...khuyu lạnh lắm.”
Yên cúi đầu bước qua cánh cửa gỗ bụi bặm. Trong nhà, ông nội anh đang ngồi vót nan, bên những cái bừa cũ.
“Trông mày gầy quá Yên ạ,.. mới có một năm từ khi mày lên kinh đô để học thầy thôi đấy!”- Ông cười-" Nào, thế có lên ông nọ, bà kia được không?”
“Dạ, con đã thấy tên mình trên bảng vàng ở cửa kinh rồi! Con đã là ông nghè rồi đấy!”
“Thật hay lòe nội? Này chắc đêm muộn, mày mơ ngủ, giờ nói nhảm chớ chi!”- Cụ già cười khúc kha khúc khích.
“Không phải đâu nội ơi! Cháu của nội còn tỉnh như sáo đấy ạ!”- Yên che miệng. Ông nội anh hóm hỉnh mà nho nhã thiệt. Khi anh đưa cho ông xem cái thẻ đất nung cầu kỳ, ông nói tiếp:
“Này là thẻ....chăn ngựa vua ban. Đừng nghĩ tối giời, tối giăng mà tao nhìn gà hóa cuốc!”
“Thôi, cháu nói không sai đâu.”- tự dưng anh hơi lo, biết đâu ông lẩm cẩm thật thì sao- Cháu đỗ thiệt đó!Sáng mai có lễ vinh quy. Con và mấy người này sẽ đi rước kiệu. Tức là họ sẽ đưa võng lọng còn con thì cưỡi ngựa lên trước...”
“Tao nói không sai mà, thế nào mày cũng có cơ đồ cả thôi. Rồi, cứ lấy con Ô nhà mình ra mà đi.”
Gà gáy le te dưới ánh trăng xanh mát. Những giọt trăng tuôn lênh láng trên tầng mái ngói trầm mặc của gian nhà dưới. Bên hàng song cửa gỗ, có một ánh đèn còn chưa tắt. Yên đang nằm trên tấm giường nan, xung quanh là bốn bức tường trống trải. Dù đơn sơ và hơi cô liêu, Yên vẫn thấy nơi đây gần gũi và yên bình lạ thường. Đang nằm nghĩ vơ vẩn, anh bỗng thấy trên cái màu vôi xám ấy, những con chữ nguệch ngoạc, vàng chóe nổi lên. Qua những thanh xà bụi bặm, kỳ vĩ, những con rồng nhỏ bé mang trên mình lớp vảy gai góc, tua tủa uốn mình bay. Một tiếng chuông uy nghiêm ngân dài. Yên bừng tỉnh; hóa ra bầy rồng, những con chữ chỉ là mơ thôi. Căn phòng vẫn tĩnh mịch, họa có gì khác thì đó là ngọn đèn dầu đã lụi tắt tự bao giờ. Con đường khúc khuỷu bên ngoài vẳng tiếng lanh canh từ những chiếc kẻng báo khắc.
Sáng hôm đó, Yên dậy từ sớm. Ở vùng quê này, làn sương mai cũng thấm đẫm mùi sen ngọt thanh. Yên nhìn ra song cửa, nơi những con mắt gỗ e lệ của cây gạo đang nhòm qua. Những bông hoa nhợt nhạt như tươi lại dưới ánh nắng trắng mờ. Chính trên cái cây ấy, cậu bé Yên của ngày xưa đã leo lên, giữa những tán cây thắm sắc và những mảng ruộng đồng xanh mởn xa xăm. Ngày ấy, trong tiếng mưa reo trầm đục cũng có khúc khoan hò vọng ra từ con đò thơm mùi củi bếp, trong cái nóng mê man đầu hè cũng có dáng mẹ một nắng hai sương bên bờ ruộng trơ gốc rạ. Yên nhìn lại những pho tượng đất nung tí hon đặt dưới chiếc giường nan; chúng không chỉ là của hồi môn của cha mẹ, mà còn là những người bạn hiền từ thời anh còn chưa tới trường. Trong đó, cậu bé Yên thích nhất là tượng anh quan nghè cưỡi trên lưng ngựa, với đoàn người hầu hạ kèn trống theo sau.
“Có lẽ mình phải đi tắm táp qua một chút!”- Yên chợt nhìn vào những vết lấm lem nào mực, nào bụi trên tay mình.
Một lát sau, bộ áo vải màu lam sẫm đã gấp lại gọn ghẽ bên bờ ao. Yên đang đứng trong làn nước yên ả của bờ ao. Những bông sen lay mình trong làn gió hiền khô. Cánh của chúng chạm lên mái tóc dài bồng bềnh trên gợn sóng. In hình trên mặt ao, những đám mây dật dờ bên mặt trời phẳng lặng. Và còn có một khuôn mặt gầy gò, góc cạnh. Yên nhìn mình trong tấm gương xao động. Anh thấy sao mình khác trước quá: làn da nâu sẫm nay thô ráp và hơi ngăm đen, vì dãi dầu nhiều quá chăng? Hai con mắt thâm trầm và không còn vẻ thơ dại hồi xưa. Hàng ria đã lơ thơ, làm anh như có nét giông giống những ông nghè. Vầng trán cao lấm chấm những vết nám thô kệch. Tiếng gọi của ai cất lên, phá tan bầu không hiu quạnh trên bờ ao đá:
“Nó đây rồi mình ơi!”
Đó là người cha của Yên. Ông cụ có cái dáng còng cùng mái tóc hoa râm rối bù. Đôi mắt ông bây giờ sáng lên vì vui mừng, thật khác với đôi mắt lầm lì mà tuổi thơ Yên quen gặp. Những bắp tay sắt đồng ẩn dưới thớ vải nâu mỏng manh. Những vạt tóc hai màu xổ khỏi chiếc khăn đóng cáu bẩn khi ông chạy lại với con:
“Thế là cậu cả nhà ông Mã đỗ nghè rồi đấy. Phen này thì họ Lê mình nức mũi với cả làng! Con ơi, mấy đêm nay cha cứ nằm lo nghĩ hoài à. Sớm nay ông mày lên nói mà cha vui chết được. Ấy, sao ốm yếu thế. Mấy đồng bạc mình mang đi đâu mất rồi. Con không tiêu gì hay sao mà nom hom hem quá thế?”
Yên loay hoay diện lại bộ đối khâm, vừa cười mỉm với cha. Ông cụ huơ tay:
“ Rồi, để xem cái lão trưởng làng còn ngông nghênh được nữa không? Hừm, con ạ, họ hàng mình mong mỏi cái ngày này lắm đó...”
Người mẹ bước vào từ hàng cửa phía sau cây gạo. Chỉ có một năm xa con, nhưng bà đã già đi nhiều lắm: làn da chai sạm hòa vào với con ngươi đá, những nếp nhăn vắt qua gò má, mái tóc điểm bạc buông lòa xòa. Hàm răng đen láy màu trầu thuốc cười giòn :
“Má đợi hoài cái ngày nay rồi...mà sao con về, má lại không có biết vậy?”
“Dạ con đi về trong đêm qua. Con đi đò từ kinh thành lên đây ạ.”
“Ra thế. Thôi, bây giờ con mau sửa soạn đi. Người, ngựa đầy đủ cả rồi đấy. Nay là ngày vinh quy, là ngày vui lớn dữ lắm đấy con ạ. Chớ có lôi thôi lếch thếch mà người ta cười cho.”
Comments (0)
See all