“Ngựa à, mày chở tao chuyến này nhé. Tao biết mày mệt rồi, nhưng thôi thì đành vậy.”-Yên thì thầm qua đôi tai già nua của Ô. Anh trèo lên chiếc yên gỗ, nhanh nhẹn tựa một con sóc. Những hơi thở nặng nhọc, đứt quãng lướt qua bàn tay thư sinh. Những người lính phía sau thúc cây giáo gỗ vào cẳng con vật, nhưng Yên quay lại gắt:
“Việc gì phải thế! Nó yếu rồi đấy, biết chửa?”
Hôm ấy, mọi người ở làng Mây thấy một đoàn rước đông đúc, huyên náo. Người ta tụ lại bên những hàng quán, những gốc cây sần sùi, những vệ đường chật chội. Những tiếng xì xào rộ lên:” Quan trạng ấy! Quan trạng thật!”
“Xì. Nhằm nhò gì với vua. Sau này tớ sẽ làm vua!”- Cái giọng véo von của một đứa trẻ chăn trâu cất lên bên đám bạn ngơ ngác. Ông thầy bói đứng gần ấy đã kịp véo tai cậu nhóc trước khi ta có thêm một câu phạm thượng nào nữa. Rồi lại có người khác nói vống lên;
“ Kìa, quân lính khiêng cái kiệu không! Mà kiệu gì xấu quá!”
Quả thật, hai người lính khăn áo chỉnh tề đi giữa hàng đương khiêng một chiếc kiệu không có người ngồi, lộ ra những mảnh vá và những vết rách rìa lem nhem tựa như được may ẩu đả.
“Chắc là quan nghè làng ta chưa có vợ"- cái giọng soi mói trầm xuống cùng tiếng cười lả lơi. Mấy mụ bán vải còn trông thấy đôi người khắc khổ trong bộ áo giao lĩnh sờn vải,bước lẹ theo đám rước với cái cười tủm tỉm và ánh mặt kiêu kỳ. Đó là cha mẹ Yên.
“Không lẽ người ở cũng được thơm lây hay sao?”- mấy người họ ấm ức truyền tai nhau. Thói ghen tỵ làm khổ các bà ấy thật.
Từ trên lưng ngựa, Yên lặng nhìn phố phường quê hương hiện ra xơ xác mà điêu tàn. Đây, những hàng quán xập xệ, phủ bóng râm trên những mái đầu trọc lóc, đen đúa. Kia, những đứa trẻ gầy nhẳng, hốc hác tựa những thân lúa bị bỏ lại trên cánh đồng sau mùa gặt. Những ánh mắt khúm múm vây quanh chàng, những ánh mắt của nhờ vả, trông mong. Xó cả người phụ nữ lê mình ra lề đường. Mái tóc khô cứng quết xuống đất khi cô cúi mình sụp lạy. Thi thoảng từ họ vẳng lên những tiếng càu nhàu, văng tục và than thở. Anh thấy như nhẹ nhõm khi những cái đầu rồng đất nung của mái đình nhô lên khỏi tán cây xanh thẫm cuối con phố. Tiếng trống thùng thình nghe tựa những nhịp đập của một con tim gỗ.
“Biến! Biến xới ngay!”-Người mõ đi ngang hàng với Yên khua cây mác cong queo vào đám trẻ rách rưới-" Tụi bay định cản đường quan hay gì?”. Trong khi ông ta đang quát tháo, chửi rủa, bỗng một cảm giác đau đơn nhói lên tựa như có một cây kim xuyên vào đôi chân trần. Một hơi nóng dâng tràn qua đôi tay tựa một ngọn lửa thiêu. Tiếng loảng xoảng vẳng lên khi cây mác sắt rơi khỏi những ngón tay ướt đầm mồ hôi.Những hình ảnh phía trước- bầy trẻ nháo nhác, những cái nhìn e dè dưới những chiếc nón lá, bóng cây cao vời- như chìm vào làn sương mỏng trong con mắt khô khan, chúng cứ thế nhòe dần. Đám lính nhốn nhào, cùng với những anh dân phu xúm lại quanh ông ta. Từ dưới cổ quần bó hẹp, bàn chân nhăn nhúm đầm đìa một sắc đỏ đen. Nằm lăn lóc cạnh đó là một mảnh sành nhọn, khuất trong bụi cỏ. Người mõ đã dẫm lên nó. Cơn mê sảng đã bắt đầu trên hai mí mắt khép chặt và đôi gò má trắng bệch. Những khuôn mặt xa lạ,đầy kinh sợ và hốt hoảng thoáng hiện lên trong mắt ông ta. Làn nắng chói lòa tựa những tia lửa bỏng rát.
“Trời ơi...”
“Không ổn rồi!”- Yên vội vã thắng ngựa lại, nhảy khỏi yên-" Mình phải cứu ông ấy..nhanh!” Anh len qua đoàn người rối ren một cách nhanh nhẹn. Khi Yên tới trước ông mõ, những gân máu xanh đã dần nổi lên giữa nước da xám ngoét. Tiếng tim xôn xao dồn dập trong anh- dấu hiệu của cái chết đã rõ mồn một. Anh ngước nhìn giòng người nông phu hỗn độn đang cố khiêng ông mõ lên chiếc cáng tre, lắp bắp:
“Đừng để ông ta chảy máu nhiều...có,có ông lang nào không?”
Chợt anh thoáng thấy sau những mái tóc vấn khăn một thân cây nhỏ bé với sắc xanh cốm. Những chiếc lá của nó nhắc anh tới cái gì đó quen thuộc: những ngày xưa, thi thoảng có những người bị thương tật đến nhờ nhà Yên cứu chữa. Có lẽ đó là bởi ông nội và cụ nội anh đều là những ông lang giỏi hiếm hoi trong làng. Gặp những vết thương, cha anh thường dùng lối chữa truyền miệng là đắp lá thuốc, để cầm máu và xoa cơn đau cho người ta. Đó cũng chính là những chiếc lá đang nghiêng tựa vào gốc cây gạo kia. Yên vội chạy lại, bứt vội vã mấy chiếc lá. Anh run run nắm chặt chúng lại trong bàn tay. Trong khoảnh khắc, viên quan nghè trẻ nói lớn với đám người:
“Dừng, dừng lại mau! Hạ ông ấy xuống!”
“Mi bị ngu hử? Muốn ổng chết hay gì?”- gã trưởng làng đáp lại với cái giọng lè nhè sặc mùi rượu.
Nhưng người dân hướng dần mắt về phía anh. Yên hổn hển đáp trả:
“ Tôi nói là...là..mấy người đặt ổng nằm đi! Tôi sẽ cứu được!”
“Không thể được!”
“Nói gàn...”
Chiếc cáng tre hạ xuống đất, khi Yên tới quỳ xổm bên ông mõ. Anh ghé tai lại bên gò má lạnh toát. Vẫn có những hơi thở se sẽ, âm ấp trên hai hốc mũi.
“Vẫn có thể...”- Yên lẩm bẩm.
Anh vội vã nhấc bàn chân ông mõ lên; vết găm đã lở ra bên những mảng da trắng ởn. Ở gót chân, máu tụ lại thâm sì. Giữa những câu thương cảm, những cái bước lùi phía sau mình, Yên chỉ lặng lẽ đắp chiếc lá lên chỗ thương ấy, và pha hòa thêm một chút nước vối. Màu đỏ tê dại tan đi trong sắc vàng nhạt. Yên đưa đôi chân co quắp lên tay, cõng ông mõ lên mà đi. Những giọt máu, giờ đã chuyển sang màu nâu đồng; lấm chấm rơi xuống nền đất khi anh bước đi. Mỗi khi thấy chúng, anh quay lại nhìn kỹ lưỡng đôi chân ông mõ.Nhịp đập nặng trĩu trên bờ ngực ông ta và hơi tanh se sắt không làm anh dừng lại. Đoàn lính cùng với con ngựa Ô lững thững theo sau anh quan nghè, giữa giòng người ồn ã, náo động.
Những mảng sáng mịt mờ bừng lên. Một mùi cay kháy pha lẫn đắng tỏa đi. Những thanh âm lảnh lót cất lên dần mất đi trong những tiếng ù ù đơn điệu nhạt nhòa.
Đó là những gì người mõ gặp sau một đêm hôn mê dài dằng dặc. Cái đau vẫn đang âm ỉ dưới làn da ông ta, tựa một hòn than mới bắt lửa. Cơn hành hạ ngắn ngủi dịu đi khi một mùi hương ngọt se, thoang thoảng tới. Có tiếng người phá tan màn sương mơ màng đang phủ lên mắt ông:
“Bẩm quan, mõ đã dậy rồi ạ!”
Một mảng màu vàng sẫm che khuất nơi con người ấy nằm với những tia nắng nồng nực bên ngoài. Đó là những bức tường đất được ngăn cách bằng các thân tre và mành nan. Một ngọn đèn liu riu cháy sau hàng song nứt nẻ, bụi bặm. Thoáng nhìn thấy những tờ giấy dó in những hình vẽ sặc sỡ, ông mõ nhớ tới những lá cờ thần giăng trước đình.” Đâu thế này?”- Người bệnh thốt lên trong tiếng ho khan.
“Này ông! Ông cứ nằm đấy. Đừng có nhỏm lên, ngồi xuống làm chi cả!”- Ai đấy đáp lại thỏ thẻ.
Tiếng kéo cửa rin rít . Một ô vuông chói lòa choán lên khung cảnh phía trước. Bóng một người thanh thanh, vẻ như nho nhã tới gần bên cái chân giường. Ông mõ nhận ra đôi mắt phượng trầm tư và bộ ria thư sinh lớt phớt của quan nghè. Cuộc trò chuyện mỏi mệt nhưng gãy gọn bắt đầu với cái giọng thân mật vồn vã:
“ Này ông! Ông còn..ừm...đau ở chân không? Trời ơi, tôi hỏi thiệt đó...”
“Thưa quan...à dạ...bẩm quan..”
Chợt con mắt ông ta đanh lại trong sắc xám của sợ hãi:
“ Tôi đã bị cái gì thế..có đứa nào chăng?”
“ Không...không phải...”
Viên mõ dần hiểu ra cái sự việc của mình: bị dẫm vào một mảnh sành chơ vơ mà mất máu đến suýt chết. Cứ mường tượng lại cảm xúc khi ấy, một làn gió cóng buốt lùa qua da ông ta. May thật, ông nghĩ thầm, thật mà giữa một đám người loạn như thế, khó sống, khó sống...Rồi ông lại nghĩ đến cái ơn cứu mạng của viên quan trẻ:
“Bẩm quan! Công ơn này thiệt là không biết lấy cái gì đền đáp!...Họa chăng có... ngàn ruộng trăm trâu!”
“ Không cần! Không cần! Chớ có khách sáo với nho gia!”- Yên cười xòa. Anh lẳng lặng bước ra khỏi khung cửa như một cơn gió thu. Mấy tuần sau, trong một đêm rằm ở làng, người ta thấy một con người kỳ dị cứ hấp tấp ra vào ngày trên sân đình uy nghiêm. Gã ta có dáng thấp bé, còm nhom tựa một cây lau già. Mái đầu tươm tất lúc lắc với những tiếng" ối dà". Những bước chân lèo khèo bước lèo khèo, để lại dấu chân nhem nhuốc trên nền gạch xanh. Đó là ông mõ Bái, người được Yên cất cho một chân lau dọn quét tước trong đình. Đôi chân của ông ta lành chầm chậm: vết thương giờ chỉ còn là chấm nâu nhạt trên làn da sạm. Ông mõ tập đi lại đầy chán chường trên cánh đồng nội bằng phẳng bên bến nước. Sau ông được Yên cất cho một chân lau dọn, quét tước ở đình làng. Người bệnh mới khỏe lại ấy cũng tỏ ý chấp thuận" Thôi thì...cũng chả khác gì làm mõ!”. Ngày bước chân vào đình, ông Bái vái tạ Yên mấy hồi, làm anh ngượng ngịu lui ra.
Comments (0)
See all