Tiếng rao hàng đơn điệu như bị dìm xuống trong tiết trời oi nồng nực. Quanh đây, ẩn giữa sắc vàng hiu quạnh của nắng trưa, chỉ còn những bóng nông dân tiều tụy còm cõi đi trên mấy thửa ruộng bàng bạc. Trông xa, họ giống những thân cây quắc thước đứng giữa vòm trời mênh mang. Tiếng sóng vỗ rì rầm hòa trong tiếng bước chân khô khan đều đều. Họ dừng lại bên hàng quế già; những đôi mắt xếch đen láy chậm rãi ngước lên mảng mây trong vắt lững lờ ngả trên rặng núi vời vợi. Dưới làn mây ấy là ngôi làng của họ- làng Đại Nham.
Đại Nham, có nghĩa là tảng đá lớn. Cái tên đã nói lên cảnh vật nơi đây; những tảng đá gồ ghề, chênh vênh thay cho bậc thang, đưa những bước chân rệu rã đến những mảng đất vàng cằn cỗi. Trái đồi mà ngôi làng tọa lạc tựa một vỏ ốc khổng lồ dưới những cánh ruộng bậc thang, ghềnh nước. Không có tiếng gọi nhau í ới, hay tiếng đập lúa vọng ra từ những mái lán. Khúc rì rào của những cuộn nước xanh biếc chảy tràn qua từng chân mạ; tiếng hàng tre ngà xào xạc buồn tẻ át đi cả hơi thở. Cứ mỗi khi leo lên phía trước, đặt đôi chân lên làn nước bùn âm ấm, những nông dân lại thấy hơi thở lành lạnh se sắt của gió phả lên lưng áo. Bây giờ hai bên họ là những căn nhà tranh xô lệch, tựa những chiếc thúng nan chắp vá xếp đều cạnh nhau. Từ những ô cửa sổ nham nhở, những bàn tay trẻ con vẫy gọi tựa những cây lau đen trong gíp.. Trên những hàng hiên nhà xơ xác màu thời gian, đôi đèn lồng giấy thơ thẩn đưa theo gió. Tựa mình vào bức tường đất của một ngôi nhà, trước mắt ta sẽ chỉ còn một mảng trời kỳ vĩ sát gần, tưởng như những lọn mây trắng xóa sắp lùa qua hàng song cửa. Mặt trời tựa một chiếc nón dát bạc hờ hững trôi qua những hàng mái ngói phai màu.
Đại Nham nằm trên một ngọn núi đá ở phủ Tân Bình , nước Đại Việt. Đã từ lâu lắm rồi, ngôi làng ấy luôn tách biệt với thế giới ngoài kia qua những rặng núi gập ghềnh và làn sươnh ngút ngàn mỗi buổi sớm. Đi từ miền xuôi lên đây, những người thương lái thường lạ lùng rằng: giữa tấm thảm mây mênh mông trải qua những vách đá mỗi buổi sớm, lại trơ trọi một thân cây lòng khòng với những đốm hoa hồng tía. Nhìn kỹ ra thời còn có những dải khói lam mong manh giăng giữa những cành sần sùi nứt nẻ. Khi đêm về, bước cùng ánh trăng mát dịu, ngọn núi đá, những thửa lúa trập trùng câm lặng, ngôi làng heo hút mới lộ ra. Cây mộc lan mọc trên đỉnh ngọn núi phủ một sắc cam chập chờn cửa các ngọn đuốc cắm trên bộ gốc. Những cánh cửa liếp khép hờ, để hai mảng bóng tối của đêm và trong nhà giao nhau. Con đường làng tựa một giòng thác khô dốc xuống dưới, nơi có những nẻo đường đất lở bồi.
Phải chăng vì sống cùng với đất đen lam lũ, người trong làng cũng chất phác và giản dị như thế. Hãy cứ nhìn mâm cơm dưới một túp lều gianh của họ: một thứ cá trích khô, dăm nắm cơm khô cứng, một chén huỳnh tương đắng. Hãy cứ nhìn những tấm thường phục Đại Nham: những tấm thổ cẩm đen sẫm phối với bộ áo vạt chéo tuềnh toàng. Tấm đai thắt bện băng nứa trông tựa một con rắn quấn quanh lưng người mặc. Những chiếc váy đụp che đi đôi chân thô ráp héo quắt. Nhưng cũng nên ngắm cả những gian nhà bên con đường đá nữa; khác với những căn nhà ở làng xóm biên thùy mà ta thường thấy, mái của chúng được lợp bằng những lớp rơm rợ khô màu nắng và những thanh tre già. Bên trong nhà, giữa bốn bức tường đất trống trải là những manh chiếu thổ cẩm sặc sỡ. Đó vừa là chiếc ghế để tiếp khách khứa, vừa là giường ngủ cho mấy chục con người nheo nhóc. Có thể đó là người trong gia đình, họ hàng hay cả người ngoài. Nhìn vào lối ngủ ấy, ta mới biết được sự chung sống ăn sâu vào ngôi làng như thế nào. Hễ cứ nhà nào có đưa ma, cỗ bàn, cưới hỏi...là cả làng xúm xít vào giúp đỡ. Hễ ai có chuyện buồn đau thì cả làng cũng quây vào mà an ủi. Dù thế, làng Đại Nham lại bị chê trách vì sự ít học của cư dân: không một lớp chữ nho, không một người biết chữ. Đã vậy, ngôi làng tiều tụy này luôn chịu sự tróc nã của đám lính trong phủ. Đối với họ, Đại Nham là tên mảnh đất của những tên nông dân khốn khó luôn luôn xin khất thuế, của những đứa trẻ dốt nát đi chăn trâu từ thuở lên bảy. “Này...lại là chúng nó đấy...cái đất vô đạo...ta nên cẩn thận thì hơn.”- Họ nói thầm với nhau khi thoáng trông những nụ mộc lan lấp ló trong mây đằng xa.
Làng Đại Nham nằm dưới chân một ngọn núi. Chân núi nối liền với những cánh đồng lau trắng và con lạch cheo leo nằm sát với dãy nhà gianh lụp xụp. Những mảng cỏ cây lổn nhổn đá như xếp lên thành một con đường thoai thoải. Những buổi sớm, làn mây mịt mùng ôm lấy sườn núi tựa một tấm khăn dạ. Hàng cây héo tàn phơi những tán cành gầy rộc. Những vạt cỏ rối bời nhuộm một màu biêng biếc sương đọng. Vòm trời thu hẹp lại trong một mảng sáng lạnh lẽo, nhạt nhòa cuối con đường, tựa một ánh đèn sắp tắt lịm. Nếu như có ai từng đi lên con dốc dài, nơi bắt đầu của rặng núi, thời sẽ nhớ mãi cái rét buốt căm căm bên ngoài ngôi làng. Những ngọn gió vun vút quất xuống da thịt như những cây dao. Bóng tối phía sau lưng mỗi lúc một sâu thẳm, một miên man, như muốn xóa đi những ánh đèn xa xăm từ ngôi làng nhỏ nhoi phía dưới. Con đường mòn dẫn lên một cánh rừng quế bạt ngàn hoang vu. Những thân quế khắc khổ điểm vài chấm trắng li ti, tựa những bầy đom đóm. Đó là những bông tuyết sương nhỏ bé, lóng lánh mà làn mây gieo xuống. Qua những tán quế, đỉnh núi kỳ vĩ thấp thoáng, tựa khuôn mặt sa sầm của một bức tượng đá. Những nếp rạn nứt chạy dọc qua những mảng đá sỏi trần trụi, tạo thành con mắt, gò má và vầng trán. Lớp đá trập trùng thay râu tóc. Bao quanh đỉnh núi là một khoảng không tranh sáng tranh tối. Bên dưới là màu đen bất tận của thung lũng, trên đầu là nền trời trắng xóa, bát ngát câm lặng . Chỉ còn tiếng thở nghèn nghẹn và tiếng lao xao của gió.
“Này, tôi nghe nói trên núi có ma. Có truyện như vầy nè.”- Người làng nói với nhau. Lại là câu chuyện về những khúc xương trâu bò vất chỏng chơ giữa những gốc quế, về những ánh mắt xanh thoắt ẩn hiện trên con đường mòn. Đêm đêm, có những tiếng hú dài vọng xuống. Lắm người nói đó là của đám sói sống trên núi. Song tiếng hú ấy không hoang dã. Nó giống một tiếng thét run run mà khản đặc của con người. Ai? Ai có thể sống được trên những thớ đất tăm tối và hoang sơ ấy chứ? Người ta hỏi nhau. Nỗi sợ hãi mơ hồ lớn dần lên trong lòng họ. Sáng hôm ấy, bác tiều phu đã gặp một sự việc lạ kỳ.
Vừa thức dậy, bác ta chỉ kịp thu dọn nhanh chiếu giường, rồi vội vàng đẩy cánh cửa nan để bước lẹ ra sân. Trời còn tờ mờ. Xung quanh, những gian nhà và cánh rừng heo hút lặng như tờ. Những vì sao lác đác rơi xuống con lạch lở bồi gần đấy. Đúng khi ấy, bác ta thấy một hình thù nổi rõ mồn một trên những hòn gạch. Một dấu chân người. “ Chắc là của một tên trộm hay một lữ khách đi lạc?”- Bác tiều phu nghĩ bụng. Những tiếng xào xạc, kẽo kẹt văng vẳng trên mái lá làm bác ta quay đầu lại. Trong làn sương mờ mờ, bác tiều phu thoáng thấy một người đang ngồi xổm trên mái rạ trên những tấm rạ. Đôi mắt ngọc thạch của hắn sáng quắc đang nhìn thẳng xuống mảnh sân, với quầng mắt trắng ởn. Bác ta bước lùi về phía sau, lẩm bẩm đầy vẻ căm tức pha lẫn kinh sợ:”Trộm... thằng trộm? Mày...mày... là ai?”
Người ấy vươn mình đứng dậy, lắc vai. Hắn nhảy khỏi lớp mái gianh, rồi mất hút vào khu rừng. Con mắt ấy quay lại hướng thẳng vào bác ta, trước khi hòa vào bóng đen bạt ngàn.Làn sương u linh dập dìu trên những tán cây rậm rì, như cố làm những tiếng bước chân thình thịch nhỏ đi. Bác tiều phu dụi mắt, run rẩy nhìn xuống. Những giọt sương đã thấm đẫm dấu chân kia.
Chợt bác tiều phu nhận ra điều gì đó; dấu chân này có vẻ to lớn hơn chân người thường. Lòng bàn chân hẹp hòi nhưng dài đến cả gang tay rưỡi, trông tựa một chiếc lá bàng héo.Những ngón chân in những vệt thẳng đuỗn và đều nhau. Nằm quanh dấu chân là những đường dọc ngang, tưởng chừng có ai dùng dao chém lên mặt sân. Vết chân lạ thường sớm được đồn thổi khắp làng.
“Bớ người ta! Lên coi vết chân quỷ!”- Cậu bé cắt cỏ hét to với đám em lơ đãng.
“Chân quỷ nào?”- Đứa em nhỏ tuổi nhất đáp lại. Thằng anh xì một tiếng, kéo đàn em lóc nhóc đến trước cánh cửa gỗ nhà ông tiều phu. Mấy con mắt non nớt, tò mò nhòm qua hàng song:
“Cái dấu chân kia á hả anh?”- đứa em hai cười-" Em thấy nó cũng bình thường không à!”
“Bình thường chi mà bình thường! Mày coi đi; có chân ai mà to dữ như vậy không?”- Cậu bé đáp-" Lúc nãy có lão trưởng giả gì gì đó từ dưới thung tới đây cũng nói đấy là chân quỷ. Mắt lão tái xanh như tàu lá chuối à!”
Đám em khúc khích cười. Chúng vẫn chưa biết rằng ngay trong đêm đó, cha mẹ chúng sẽ trở về nhà với dáng vẻ thất thểu, lo lắng. Họ sẽ khóa kín cửa căn nhà, giăng những tấm bùa vàng, và đặt những lưỡi liềm đã được nung nóng trước cửa nhà. Họ sẽ bắt đám trẻ đi ngủ trước cả khi trăng lên, để không phải gặp cái bóng của “quỷ ăn đêm". Dấu chân kỳ lạ đã làm dấy lên những tiếng đồn đại về một loài quỷ đang lảng vảng quanh ngôi làng sơn cước. Cứ mỗi khi đêm về, chúng lại ra khỏi chân núi, lẻn qua những lớp mái gianh, đi vào từng ngôi nhà để ăn cắp tiền của. Có những người còn quả quyết rằng họ đã bắt gặp những con quỷ như thế-trông tựa một con trâu có chân người- đi lại trên những thửa ruộng bậc thang. Hay là nằm vắt vẻo trên cây mộc lan cuối làng trong bộ dạng loài vượn với cặp mắt xanh. Những ông thầy cúng lập những bàn thờ trước gian nhà, lấy máu trâu rưới quanh sân. Những người nông dân mài lại các con dao bầu,cây cuốc,cây thuổng để đề phòng sinh vật đó. Họ vừa đi cày cấy vừa ngước trông đỉnh núi tĩnh mịch với ánh mắt e dè và kinh sợ.Những đứa trẻ ngơ ngác dạo chơi bên mấy luống cỏ dưới chân núi sớm bị bàn tay của người lớn kéo về đầy hấp tấp.
Con thoi thời gian vẫn nặng nề đưa. Mấy tháng sau, loài vật thần bí kia đã không còn đọng chút hình ảnh nào trong tâm tưởng ngôi làng. Người ta chỉ còn nhớ đến nó thông qua cái dấu chân trên sân nhà bác tiều phu, hay những lá bùa chằng chịt treo trước hàng hiên cửa. Những lưỡi liềm nung đỏ được người ta cất dần trong những lúc họ bận bịu bê thúng thóc, gánh lúa vào nhà. Làng đương vào mùa thu hoạch. Giòng nước no đầy từ con lạch bị vấy đục bằng các guồng gỗ cao kều. Dưới những tầng mái chắp vá, có tiếng đập lúa và đong gạo đều đều. Và trên các thửa ruộng bậc thang, bóng người thưa dần, bỏ lại mấy hàng rễ khô khan lẻ loi. Dưới cái mảng trời thanh bình chan hòa ấy, con quỷ ăn đêm sắp trở lại ngôi làng một lần nữa.
Đó là một chiều đông cuối năm 1388.
Ngõ Ba, một con ngõ nhỏ giáp với bờ lạch, đương thấp thoáng những bóng người cao thấp. Những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi phơi ra làn nắng trắng mờ, dưới những bọc lưới phai bợt. Những chiếc nón nan rộng vành chòng chành trên hàng lông mày sạm và cặp mắt kèm nhèm. Những người nông phu nhàn rỗi đang tranh thủ đi thả lưới trên con lạch. Họ lẳng lặng bước tới trước giòng nước đục mờ, nhìn những cọng lau xám dập dềnh trôi. Tấm lưới của họ là những tấm vải dày được đan từ những sợi thừng rắn chắc, được gắn với một thân tre khô vàng,mảnh mai. Quăng lưới ra, những gợn sóng mỏi mệt lăn tăn như nuốt lấy màn lưới nâu sẫm. Những bong bóng đục chầm chậm trôi qua bờ sỏi đá. Mấy người họ ngồi thu mình bên thân tre cắm trên mặt đất, để trò chuyện và đợi chờ như mọi ngày.
Bất chợt thân tre của cụ già ngồi cạnh gốc quế rung lên khe khẽ. Đôi mắt lờ đờ thoắt liếc qua mặt nước sâu thẳm, như để coi con vật vừa sa lưới là giống gì. “Để ta coi nào?”Ông cụ kéo lưới lên. Kỳ lạ sao, những sợi thừng không loang loáng ướt mà nhuốm một màu đỏ đất. Mùi hăng hắc lởn vởn khi ông kéo lưới lại. Trong lưới không phải là một con cá còn sống, mà lại là một cái đầu cá đã đứt lìa. Máu từ nó rỏ xuống nước tong tỏng tựa tiếng ai gõ tay lên mặt thủy tinh. Hai con mắt cá đã xám xanh. Ông cụ vứt cây tre xuống:
“Cái gì đây?”
“Có cá sấu ấy! Cá sấu ở dưới lạch! Bớ người ta!”
“Bớ người ta!”
Khi ấy, bỗng có một anh nông dân tuốt từ sau lưng áo ra một lưỡi dao đồng nâu quạnh. Anh nói lẩm bẩm:
“A! Cá sấu à... Nay tao cho bây chết!”
Anh ta đưa những ngón tay về phía cái chuôi sần sùi, vừa quay lại hỏi cụ già:
“Lưới của cụ vừa mặc ở phía kia bờ sông?”
“Phải, cá sấu nó nằm chình ình ở đấy chớ đâu nữa?”
“Rồi...”- Cái giọng đồ tể trầm xuống. Chỉ một thoáng sau, lưỡi dao đã vọt khỏi bàn tay ướt đầm của anh. Nó biến mất hút trong con lạch lảng bảng bùn, để lại những vòng tròn mờ mờ tỏa rộng. Thanh âm khi nó đâm xuống tựa tiếng thủy tinh vỡ tan. Cặp mắt của mấy người đứng trên bờ giống cặp mắt cửa người thợ săn nhìn mũi tên lao đi. Nhưng con lạch vẫn yên ả, tựa hồ muốn giễu cợt. Bất ngờ, một cọng rêu lững lờ nổi lên tựa một mảnh vai nhợt nhạt.
“Là sao?- Những con mắt gặp nhau.
Chợt, như có những khuấy động sâu dưới mặt nước, những gợn sóng quằn quại nổi lên. Vạt áo vải nông dân lấm chấm ướt vì những tia nước. Mặt nước xoáy lại, tạo nên hình thù một con người đang mở ra.Ông cụ chợt nhớ đến những ngày lụt lội,chính những con sóng ấy đã từng dâng tràn vào dãy nhà gianh. Lưới của mấy người ngồi cạnh đó bị kéo mạnh xuống, tưởng như có một hòn đá tảng đã mắc vào. Sẵn đông đảo, họ hò nhau giật lại" Cá to lắm! Lại đây.."- những tiếng thét lạc giọng. Vài giọt máu li ti ứa ra từ làn da lì lợm rỏ xuống những sợi thừng căng. Anh chàng khi nãy bước dấn lên, đạp lên đám cỏ rối bời, trên tay lăm lăm một cây mác sáng bóng.
“Để tôi"- Anh chuyền cái thân gỗ từ tay này sang tay kia.Lưỡi thép vừa xuyên qua lớp bùn đen, cũng là lúc đám người ngã xuống con lạch. Tấm lưới bị dứt khỏi thân tre; thân tre đổ khỏi lỗ đất. Chỉ còn những sợi thừng rách toang lềnh bềnh mắc lại giữa hai mỏm đá như một chiếc lá già. Từng cánh tay xương xẩu đẫm bùn vươn lên bám lấy mấy bông lau. Gợn sóng khẽ lùa qua những mái tóc ướt bết, rối bời. Món vũ khí chìm dần xuống dưới làn nước đục ngầu.
“Không! Không phải cá sấu!”- những tiếng lắp bắp chộn rộn-" Là ma! Ma!”
“Tôi nhìn thấy nó rồi...người nó có vảy...vảy như rắn...mà mắt nó xanh tái...”
Người trong làng tụ lại trên bờ đất. Đôi mắt họ nhìn về phía cuối con lạch. Những tia nắng đông lại thành một màu đỏ tía lẫn trong gợn sóng đều đều, xanh thẳm. Con lạch bắt đầu từ giòng suối nằm dưới dốc núi phía đông. Đó cũng là nơi người ta tìm thấy những vệt máu hoen dài và những mẩu xương trâu bò.
Comments (0)
See all