Câu chuyện bắt đầu vào cuối xuân, Đế quốc Varlann, năm Long Đế thứ mười.
Ngọn gió sớm nhè nhẹ quét qua một bình nguyên xinh đẹp, với từng khóm hoa nhỏ màu trắng mọc xen kẽ giữa từng bụi cỏ. Cắt lối qua cái biển cỏ xanh mướt ấy, một con đường kéo dài tít tắp đến tận đường chân trời ở đằng xa. Và từ đằng sau cái đường chân trời lởm chởm những đỉnh núi ấy, vần dương chầm chầm mọc lên và phóng những tia nắng vàng óng lên một đoàn ba xe kéo và năm xe guồng lững thững lăn bánh trên con đường quanh co. Tháp tùng đoàn xe đó là bốn trăm tráng sĩ Người Hạ, mình vận khôi giáp đen, mũi giáo của họ, sáng choang dưới ánh ban mai, lấp lánh như tinh tú trời đêm. Trên lưng từng người là chiếc áo choàng gấm ngắn màu vàng, thêu thùa tinh xảo với hình mây, kiếm và sư tử. Những tráng sĩ này chính là những Cẩm Xưởng Vệ danh tiếng của Đế quốc Varlann, những người chịu trách nhiệm canh giữ sự an nguy của gia đình hoàng gia.
Những tráng sĩ đấy cưỡi trên lưng những sinh vật kỳ lạ, những con velelis. Con velelis là gì? Chắc hẳn ai cũng đang tò mò. Chúng là một loài sinh vật hai chân, với kích cỡ như một con ngựa, với hình dáng hao hao loài khủng long với dáng người nằm ngang. Cơ thể chúng được bao bọc bởi một bộ lông dày từ đầu đến chân như chân loài gà. Hai cánh tay nhỏ có ba ngón với lông vũ, và phần chóp đuôi của chúng cũng được bao phủ bởi lông vũ như đuôi loài chim. Mõm và mũi thì hao hao như giống ngựa và trên đỉnh đầu chúng là một cặp tai từa tựa như tai mèo. Bộ lông của chúng có hai màu chính, vàng và nâu, đôi khi pha đốm giữa hai màu. Chủng sinh vật này được dùng rộng khắp bởi cư dân lục địa Varlaurea để làm thú cưỡi và một thể thức vận chuyển.
Ở giữa đoàn xe ấy, có một chiếc xe bốn bánh màu đỏ được kéo bởi sáu velelis, và là chiếc xe to nhất và được trang hoàng lộng lẫy nhất trong số ba xe, trông giống như một dinh thự Varlann điển hình được thu nhỏ, với cờ xí sặc sỡ, bay bay trong gió, bốn góc mái cong tao nhã màu xanh ngọc treo đèn lồng có đính chuông gió bạc rinh rang hát cùng những ngọn gió thoáng qua. Kẻ ở trong chiếc xe này ắt phải là một người cực kì quan trọng.
Quả vậy, người này đích thị là rất quan trọng, trên chiếc võng bên trong xe một nam nhân Người Hạ tuổi trạc ba mươi, quấn mình trong giao lĩnh đỏ, một kiểu áo thường thấy của chủng dân Người Hạ ở lục địa Varlaurea. Dẫu là một kiểu áo thông dụng rộng khắp, nhưng giữa mỗi quốc gia đều có chút khác biệt nho nhỏ. Đơn cử như trường hợp này, vì nam nhân này là một Người Hạ, thì vạt áo bên phải sẽ xếp chồng lên vạt áo bên trái, đối ngược với người hàng xóm Chihan của họ. Hai bắp chân của nam nhân này đều được xăm trổ hoa văn vảy cá, với tóc huyền ngan vai, mày rậm và mắt hơi xếch cùng một chỏm râu dê ngắn dưới cằm. Và tại phần trán của y, ngay tại đường tóc, mọc lên một cặp sừng nhỏ như gạc hươu. Nam nhân ấy tên là Suk Lam, vị Hoàng đế của đế chế Varlann, hay “Bách tộc chủ công”, hay “Con trai của rồng”. Nằm trên võng, Hoàng đế Lam ngẫm nghĩ đọc những tấu sớ của trị sự thành Qualoh, một thành phố cảng nằm bên bờ hồ Kaoren. Và chính những tấu sớ này là lý do khiến vị hoàng đế phải rời khỏi sự tiện nghi nơi cung cấm.
“Bẩm thánh thượng, chừng ba mươi phút nữa chúng ta sẽ đến Qualoh, xin hãy chuẩn bị ạ,” một người hầu thông báo cho hoàng đế.
Thế rồi đoàn xe dừng lại để người hầu giúp hoàng đế thay áo sang trang phục trang trọng hơn theo đúng lễ nghi cho người có địa vị cao quý như người. Vị hoàng đế được khoác lên người một bộ giao lĩnh lụa đen với ống tay áo thụng lớn, và nó được chế tác một cách tuyệt vời, một minh chứng cho tay nghề bậc thầy của các thợ may và thợ dệt hoàng gia. Vải lụa của áo được dệt từ ba loại sợi tơ tằm khác nhau, làm cho chất vải hơi cứng và có một độ bóng mờ tao nhã. Không những thế vải áo còn được dệt chìm với hoa văn như chữ vạn, mà chỉ hiện lên khi ánh sáng chiếu vào áo ở một góc nhất định, cả bộ áo được thêu thùa kĩ lưỡng với hoa văn mây nhỏ bằng chỉ sợi bạc, và chỉ sợi vàng được thêu thành hoa văn rồng ổ, cuộn tròn ẩn mình trong mây bạc ở nơi ngực áo. Cuối cùng, chiếc áo bào được quây lại bằng một cái thường lụa dài đến mắt cá chân được thêu hoa văn tinh xảo. Tay và chân của hoàng đế thì được sức với vòng tay và vòng chân vàng đính lục lạc bạc.
Tầm ba mươi phút sau, thành Qualoh dần dần hiện lên từ chân trời, và xa hơn đó nữa, là những ngọn sóng xanh biếc lấp lánh của hồ Kaoren, hồ nước ngọt lớn nhất trên lục địa Varlaurea. Toạ lạc ở phía nam của lục địa, ở vùng hạ nguồn của sông Vĩ Đại, cái tên của nó có nghĩa là “biển hồ”, bởi do hồ rộng lớn đến mức tàu thuyền phải mất năm ngày ròng để giong buồm qua nó. Với kích cỡ như vậy, hồ có cả hình mẫu thời tiết của riêng mình. Dưới những ngọn sóng xanh lấp lánh ấy có vô vàn tôm cá để bắt. Với những con sóng triều ôn hoà bồi đắp cho bờ hồ, đất đai lại càng màu mỡ hơn và giúp nuôi sống những khu định cư đầu tiên của chủng dân Người Hạ, khi họ mới di cư đến lục địa Varlaurea, sau chuyến hành trình dài của họ qua “Thời đại lang thang”. Vô số thành thị đã và đang tiếp tục phát triển bên bờ hồ phì nhiêu đó và với sự kết nối của hồ với sông Vĩ Đại, tàu buôn từ các thành bang tự do của Người Thượng ở miền bắc lục địa Varlaurea và từ đế quốc Chihan ở phía đông, chảy qua thành Qualoh, tạo nên tuyến thương mại đường thuỷ sầm uất nhất lục địa.
Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng năm năm trước khi Hoàng đế Lam đến Qualoh. Ban đầu thì chỉ là những vụ mất tích riêng lẻ từ nhiều thành thị khác nhau. Một vài ngư dân biến mất khi đang lặn tìm trai, sò và thu hoạch rong biển. Khi các báo cáo bắt đầu xuất hiện, chính quyền địa phương cũng chỉ cho rằng những vụ việc ấy chỉ đơn thuần là tai nạn, cho đến khi mọi sự leo thang, từ ngư dân mất tích đến cả tàu cá mất tăm dẫu sóng lặng trời quang. Rồi cách đấy hai năm, ở một làng chài không xa Qualoh, một người sống sót được tìm thấy. Người đó khăng khăng một mực rằng không hề có một tai nạn nào hết, trước sau như một, người đó khẳng định rằng tàu và thuỷ thủ đoàn của ông ta đã bị tấn công bởi một cái gì đó ở dưới hồ.
“Nó giống như là một con cá khổng lồ mà tôi chưa từng thấy bao giờ,” người ngư dân khẳng định.
Ngài Buh Huy, trị sự thành Qualoh và quận Hồ Kaoren, lúc đấy cũng có chú ý đến vụ việc này và đã cho thực hiện một cuộc điều tra, nhưng tiếc thay không mang lại được kết luận gì. Thế là câu chuyện của người ngư dân ấy trở thành những lời lảm nhảm của một người bị sang chấn tâm lý và nhanh chóng trở thành một câu chuyện rùn rợn quanh bàn rượu. Nhưng tàu đánh cá thì cứ tiếp tục biến mất, sự sợ hãi mau chóng bao trùm lấy người dân. Họ chẳng còn dám dong thuyền ra xa bờ để đánh cá nữa. Thế rồi, lại thêm một vụ việc nữa đến tai ngài Buh Huy, một chiếc tàu buôn từ Đế quốc Chihan đã chìm cách Qualoh không xa, sáu người sống sót đã được tìm thấy và tất cả bọn họ đều một mực khẳng định rằng tàu của họ đã bị tấn công bởi một thứ gì đó, một loại cá khổng lồ. Những người sống sót khẳng định rằng con quái vật xé toang tàu của họ ra chỉ với vài cú húc, rồi chỉ với một cú đớp nó nuốt chửng vài thuỷ thủ cùng một lúc. Một cuộc tìm kiếm của quân đội địa phương đã được huy động, nhưng tất cả những gì họ có thể tìm thấy chỉ là những mảnh ván và mảnh vải buồm rách trôi nổi trên mặt nước, còn dấu hiệu của con “cá lớn” ấy thì chẳng thấy đâu.
Trong những năm tiếp theo, ngày càng có nhiều tàu thuyền bị tấn công, và ngày càng có nhiều lời làm chứng của người sống sót khẳng định sự tồn tại của con “cá lớn” ấy. Giao thương vì thế mà đình trệ. Ngài Buh Huy lại điều động thêm hai cuộc thám hiểm của thuỷ binh địa phương, và trong cuộc thám hiểm thứ hai một chiếc tàu chiến tầm trung đã bị tấn công ngay trước mắt cả hạm đội. Mặc cho sự kháng cự quả cảm của thuỷ thủ đoàn, với chỉ vài cú húc, con quái vật xé toạc thân tàu và nuốt chửng những thuỷ thủ xấu số vũng vẫy trong nước. Những nhân chứng ước tính rằng con quái vật có chiều dài ít nhất là chừng 100 lia (1 lia = 1 mét), họ tả rằng con quái mình phủ đầy vảy màu đỏ thẫm, cùng với nhiều vây ngực trông giống như chân, xếp dọc chiều dài thân mình của nó. Miệng của nó to như cổng thành và đầy răng nhọn. Còn mắt của nó thì ánh lên một sắc đỏ đầy nham hiểm dưới ánh mặt trời.
Ngay khi hay tin, ngài Buh Huy đã mau chóng phát động một cuộc chinh phạt để diệt trừ thuỷ quái. Rất nhiều người tình nguyện đã tham gia, sáu tàu chiến cùng nhiều tàu tình nguyện của ngư dân đã xuất kích. Nhưng tiếc thay, những nỗ lực của họ đã chẳng đạt được thành quả gì ngoài thảm hoạ. Ba tàu chiến và nhiều tàu tình nguyện đã bị đánh chìm, số còn lại thì hư hỏng nặng, với hơn 500 người vong mạng. Và khoảng mười tám tháng trước, lần đầu tiên, con thuỷ quái trút giận lên thành Qualoh. Nó bất ngờ nổi lên cách bến cảng không xa, và trước khi ai kịp phản ứng, với một cú quẩy mạnh của cái đuôi khổng lồ của nó, con thuỷ quái hất một cơn sóng thần về phía khu cảng, phá huỷ tàu thuyền, nhà cửa và cơ sở hạ tầng của khu cảng, cuốn phăng vô số người vô tội ra hồ và vào cửa tử. Báo cáo của ngài Buh Huy nói rằng, cứ vài tuần con thuỷ quái lại tấn công Qualoh và những thành thị xung quanh với sóng thần, đem sự huỷ diệt và chết chóc gieo rắc lên khắp chúng dân. Và nhiều cái tên đã được đặt cho con quái vật này: “Sự kinh hoàng nơi đáy sâu”, “Xoáy nước răng nhọn”, “Kẻ tạo sóng thần”, “Những cái vây chết chóc” và nhiều hơn nữa.
Người dân thì sợ hãi không tả. Một số nghĩ rằng con quái vật đại diện cho sự giận dữ của chư thần, và thế là một giáo phái đã xuất hiện và thực hiến tế người nhằm nguôi giận con quái. Ngài Buh Huy đã cố hết sức để trấn áp lũ tà giáo ấy và trấn an muôn dân rằng ông đã gửi tin đến triều đình cầu xin sự giúp đỡ. Khi tin đến tai triều đình, thì lực lượng Thuỷ quân đế quốc đã điều động ba tàu chiến hạng nặng, năm tàu hộ tống và mười tốc thuyền Mái Vòm để giúp diệt trừ thuỷ quái.
Tiếc thay, tiếc thay, họ cũng không đạt được mấy thành quả. Tiến triển của họ rất chậm chạp, những mũi tên từ máy nỏ của họ chẳng thể xuyên quá bán qua vảy của con thuỷ quái và chẳng tạo ra được mấy sát thương. Ngay cả những pháp sư triều đình tháp tùng đoàn thuỷ binh cũng không thể gây ra thiệt hại gì nhiều, phần lớn phép thuật của họ đều bị đánh chệch khỏi thân con quái như thể một thứ phép bảo vệ nào đó đã được trấn yểm vào vảy của thuỷ quái vậy. Và con quái cũng khôn ranh không kém, lẩn khuất dưới mặt nước, nó tránh mặt hạm đội và chỉ mai phục những tàu tuần tra mỏng manh và những tàu vận tải chậm chạp. Tình thế vì vậy cứ bế tắc. Thế nên, Hoàng đế Lam đã rời khỏi tẩm cung để đích thân xử lý vụ việc.
Khi đoàn xe đến cổng thành, một phái đoàn của Qualoh bao gồm cả Trị sự Buh Huy đã đợi sẵn để chào đón hoàng đế. Ngài Buh Huy bước xuống velelis, theo sau ông là gia quyến. Họ đến trước đoàn xe, quỳ xuống, và kính cẩn thi lễ bằng cách giơ tay ngang mặt, đan các ngón tay vào nhau với lòng bàn tay hướng vào trong.
“Thần, Buh Huy cùng gia quyến, cung nghinh chào đón Bệ hạ, Đức thánh thượng muôn năm, muôn muôn năm.”
“Bình thân,” giọng Hoàng đế Lam vọng ra từ sau mạng che của xe kéo.
“Tạ ơn bệ hạ,” Ngài Buh Huy nói rồi cùng gia đình đứng dậy.
Sau buổi đón tiếp, họ tiếp tục tiến vào thành phố. Bên trong, người dân đã đổ ra đường để chào đón hoàng đế. Ngay lập tức, Hoàng đế Lam có thể cảm nhận được bầu không khí âu lo, sợ hãi từ chúng dân. Phải chăng là do họ sợ ngài? Phải chăng Hoàng đế Lam là một bạo chúa? Không. Đấy, từ trong ánh mắt của họ có thể thấy rõ sự hy vọng ánh lên trước họ quỳ xuống, khi họ nhìn thấy chiếc xe của hoàng đế đi qua.
Bỗng nhiên, một tiếng nấc vọng lại từ đám đông. Tai của Hoàng đế nghe thấy tiếng khóc và người lệnh cho đoàn xe dừng lại. Rồi hoàng đế bước ra khỏi xe và lệnh cho Cẩm Xưởng Vệ tìm chủ nhân của tiếng khóc ấy. Chỉ một lúc sau, các Cẩm Xưởng Vệ dìu một ông lão từ đám đông. Mặt ông lão nhăn nheo vì những vết khắc của thời gian, còn đôi mắt thì nhạt nhoà nước mắt. Ông ta đến trước mặt Hoàng đế Lam, đặt chiếc gậy chống xuống và quỳ lạy một cách khổ sở. Hoàng đế Lam liền bước nhanh xuống xe và đỡ ông ta dậy.
“Già ơi, tại sao người lại khóc? Điều gì đang làm người phiền lòng?” hoàng đế hỏi.
“Bẩm Thánh thượng, những giọt nước mắt này là nước mắt vui mừng, bởi vì cuối cùng thì lão già này đã có thể nhìn thấy long nhan của người. Những giọt nước mắt này là nước mắt của sự nhẹ nhõm, bởi người cuối cùng cũng đã đến. Chư thần đã mỉm cười với chúng dân đen này hôm nay, bởi cái con hung thần dưới đáy sâu ấy sẽ sớm bị tiêu diệt,” ông lão nói, nước mắt lăn tròn xuống khuôn mặt nhăn nheo.
Rồi đám đông trở nên ồn ào, người thì cầu nguyện chư thần, kẻ thì thút thít lẩm bẩm những tiếng thở phào rằng hoàng đế đã đến.
“Bẩm Thánh thượng, người vợ già và hai đứa cháu gái là những gì còn lại của gia đình lão, những đứa con trai” -một tiếng nấc ngắt lời ông lão- “cả bốn đứa con trai và những đứa cháu của lão đã chết hết rồi, đứa nhỏ nhất chỉ mới có mười lăm tuổi, nó còn trẻ quá… tất cả đều do con yêu nhiệt đó… Bệ hạ! xin hãy giết con quái vật đó, để những đứa con trai và cháu trai của lão được an nghỉ, để vong linh của chúng được sớm gặp Mien Papa dưới âm giới và mau chóng chuyển sinh kiếp khác” -nói đoạn ông lão lại quỳ xuống.
Nắm tay ông lão, Hoàng đế Lam kéo ông ta dậy và nhìn đám đông đang bắt đầu bật khóc.
“Chư vị hương thân phụ lão, xin đừng sợ hãi và hãy yên lòng, ta đã ở đây và nhân danh chư thần, nhân danh Quelas’Airuth tối cao, trên danh dự của hoàng tộc và cha ta Thượng hoàng Suk Luotu và mẹ ta Thái hậu Lu Nue…” -dừng trong giây lát để lấy hơi, nước mắt dần dưng lên trong khoé mắt hoàng đế- “tại đây, ta thề với các vị rằng, nỗi kinh hoàng mà bà con đã chịu đựng bấy lâu nay sẽ không còn nữa, trẫm sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi quái vật đã bị tiêu diệt, và oan hồn những người đã chết bởi con nghiệt súc này được yên nghỉ.”
“THÁNH THƯỢNG MUÔN NĂM, MUÔN MUÔN NĂM!” đám đông hô lớn.
Comments (0)
See all